Những kiểu in ấn cổ điển có thể bạn chưa biết (P.3)
So với những kiểu in trước, 2 kỹ thuật in trong bài viết phần 3 này có vẻ quen thuộc hơn nhỉ? Tuy nhiên, với nhiều người thì đây vẫn là những kiến thức còn mới lạ. Vậy nên, xin mời mọi người tiếp tục cùng Giấy Lan Vi tìm hiểu nhé:
In xếp chữ (letterpress):
In letterpress được nhiều người nhắc đến trong thời gian gần đây, mà đặc biệt là trong giới nghệ sĩ thiết kế, như một kỹ thuật in thủ công cổ điển rất được ưa chuộng. Nhưng có vẻ như rằng, kỹ thuật in “letterpress” vẫn còn là khái niệm rất mơ hồ cho cả những chuyên gia kỹ thuật cũng như khách hàng in ấn tại Việt Nam. Đây là một hình thức in nổi sử dụng máy ép cơ học để ép bề mặt được quét mực lên giấy, từ đó tạo ra một sản phẩm in. Mực được quét dính vào phần bề mặt nổi lên – vốn thể hiện những hình ảnh, văn bản cần in được xếp trên bề mặt tương tự như một con dấu cao su. Phần bề mặt nổi đã được quét mực in này sẽ tiếp xúc trực tiếp với giấy dưới một lực tác động nhẹ và sau đó sang chuyển những hình ảnh, văn bản qua.
Kỹ thuật in letterpress thời kỳ đầu sử dụng các chữ cái (do đó còn được gọi là in ấn xếp chữ), các họa tiết bằng gỗ và kim loại cổ điển được xếp tay vào máy in, kết hợp với một bảng màu rực rỡ của các loại mực cũng được trộn bằng tay. Máy in letterpress sử dụng các bộ phông chữ hoàn chỉnh trải dài từ các dấu hiệu, ký hiệu cho đến các chữ cái và số. Những thiết kế in ấn trong thời kỳ đó bị hạn chế do sự giới hạn của các hình dạng, họa tiết và phông chữ đặc thù. Để có được nhiều tác phẩm in đa dạng, bạn phải sở hữu bộ sưu tập chữ cái và họa tiết vô cùng phong phú.
In lưới hay in kéo lụa (Silk screen printing)
In lưới (hay in lụa, in kéo lụa) là tên thông dụng của một kỹ thuật in ấn, do giới thợ đặt ra, xuất phát từ việc bản lưới của khuôn in được làm bằng tấm vải lụa. Sau này, khi mà bản lưới bằng vải lụa có thể được thay thế bởi nhiều vật liệu khác nhau như vải sợi cotton, vải sợi hóa học, hoặc tấm lưới bằng kim loại để làm thì tên gọi của kỹ thuật in này được mở rộng thành in lưới.
Đây là một kỹ thuật in khá độc đáo, dựa trên nguyên lý thấm mực. Mực được cho vào lòng một khuôn lưới làm bằng gỗ hoặc bằng hợp kim nhôm, được gạt qua bằng một lưỡi dao cao su. Dưới áp lực của dao gạt, chỉ một phần mực in được thấm qua lưới in (do một phần lưới in đã được bịt kín bởi các hóa chất chuyên dùng để tạo hình thiết kế) và in lên vật liệu in đã chuẩn bị trước đó để tạo thành hình ảnh hoặc chữ. Mỗi lần bạn chỉ có thể in được một màu. Do đó, để in thiết kế có nhiều màu sắc, bạn cần sử dụng nhiều khuôn lưới.
Theo Wiki, kỹ thuật này được Châu Âu sử dụng vào năm 1925 với việc in trên giấy, bìa, thuỷ tinh, tấm kim loại, vải giả da… Hơn 1000 năm trước, người ta phát minh ra rằng sợi tơ khi kéo căng trên một khung gỗ, với hình ảnh khuôn tô gắn phía dưới khung bằng keo hồ có thể dùng để sao chép các hình ảnh nhiều lần trên nhiều vật liệu khác nhau bằng cách phết mực xuyên qua các lỗ tròn khuôn tụ.
Những công trình nghiên cứu sử dụng vải tơ làm lưới in sau đó được tiến hành tại Pháp và Đức trong khoảng thập niên 1870. Sau đó tại Anh Quốc, vào năm 1907, Samuel Simon đã sáng chế ra quá trình làm lưới bằng các sợi tơ. Năm 1914, tại San Francisco, California, phương pháp in lưới nhiều màu được John Pilsworth phát triển.
(Nguồn: lanvipaper.com.vn)
0 Comment