Những kiểu in ấn cổ điển có thể bạn chưa biết (P.2)
Tiếp tục nói về những kiểu in ấn cổ điển đã từng được sử dụng rộng rãi trên thế giới, chúng tôi xin giới thiệu thêm đến các bạn về một số phương pháp in ấn khá thú vị khác:
In khắc mòn a-xít (Etching)
Etching (hay còn gọi là kỹ thuật in khắc mòn axit) là một trong những kỹ thuật khắc lõm (intaglio) được sử dụng phổ biến nhất trong nghệ thuật đồ họa tranh in. Kỹ thuật này sử dụng những can thiệp bằng hóa chất nhằm tạo ra những đường rãnh sâu trên bản khắc kim loại để tạo nên mẫu in. Sau khi quét mực lên các mẫu in này, ta sẽ có tác phẩm tranh in hoàn chỉnh.
Để cho ra đời một bức tranh in khắc mòn axit, bạn cần vật liệu để chế tác mẫu là một tấm kim loại (thường là đồng hoặc kẽm) được làm sạch. Đầu tiên, phải phủ lên bề mặt tấm kim loại bằng một lớp mỏng vật liệu có tính trơ với axit giống như sáp. Sau đó, tạo hình thiết kế của bạn lên tấm kim loại đó bằng một cây kim khắc chuyên biệt. Bạn không cần phải tác dụng lực để khắc, chỉ cần vừa đủ để cạo đi lớp sáp phủ trên bề mặt của tấm kim loại đó. Sau khi đã tạo hình xong, các tấm kim loại sẽ được đem nhúng vào một bể axit. Vì lớp sáp bảo vệ không thấm được axit, nên axit sẽ chỉ ảnh hưởng ăn mòn phần bề mặt kim loại đã bị cạo mất lớp bảo vệ, để lại những rãnh lõm xuống đúng theo chủ ý của người nghệ sỹ.
Khi các rãnh lõm này đạt được độ sâu vừa đủ thì tấm kim loại được mang ra. Những phần còn lại được che phủ bởi lớp sáp chống axit cũng sẽ được tẩy đi hết. Và ta có một mẫu khắc kim loại hoàn chỉnh.
Nhiều nhà thiết kế đồ họa còn biết cách tạo nên những hiệu ứng in ấn tinh tế khác nhau trên tấm kim loại bằng cách “chơi” với từng “mức độ” axit cũng như canh lượng thời gian để tấm kim loại “tắm” axit… Kỹ thuật này cho phép người thiết kế đạt được một loạt các rãnh có độ nông sâu khác nhau. Tại những rãnh nông, mực in sẽ hiện lên mờ hơn là nơi có những vết rãnh được khoét sâu – phần mực thường trở nên nổi bật.
In thạch bản (lithography)
In thạch bản (hay còn gọi là in litho, in đá) là một phương pháp in ấn trên bề mặt nhẵn. Kỹ thuật in này được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1798 tại Munich, Đức. Chất liệu chính để in thạch bản là một phiến đá (thường là đá vôi) hoặc một tấm kim loại lớn. Đồng thời, kỹ thuật in này đòi hỏi một quá trình chuyên sâu để phát triển hình ảnh trên tấm đá hoặc tấm kim loại. Nguyên lý của kỹ thuật in thạch bản dựa vào lực đẩy giữa dầu và nước. Dầu và nước vốn không trộn lẫn nhau và luôn có xu hướng tách rời nhau. Do vậy, dựa trên nguyên lý đó, nguyên tắc cơ bản của in litho cũng khá đơn giản, gồm phần khuôn dương có khả năng bắt mực nhưng không hút nước, và ngược lại, có phần khuôn âm hút nước nhưng không bắt mực.
Người ta dùng một loại bút giống như bút chì sáp (loại bút có chất dầu, không thấm nước), vẽ hình lên bề mặt đá phẳng. Sau đó tiếp tục bôi một dung dịch keo pha nước lên mặt phiến đá. Dung dịch này sẽ chỉ bám lên những vị trí không có dính sáp dầu. Trong quá trình in, phiến đá được làm ướt. Và nước lúc này chỉ bám vào những phần tử có keo, chừa lại những nét vẽ bằng sáp có chất dầu mỡ. Còn mực in có chứa dầu như dầu lanh và dầu bóng trộn với màu. Khi lăn mực in lên phiến đá đã được vẽ hình bằng bút sáp thì mực in sẽ chỉ bám lên các nét vẽ có sáp dầu. Kết quả là hình in lên giấy là từ mực dính trên các nét vẽ.
Đến thế kỷ thứ 19, người ta phát minh ra in thạch bản màu (color lithography). Nguyên tắc in thạch bản màu cũng tương tự như in thạch bản một màu cổ điển. Tuy nhiên, mỗi màu cần phải có một phiến đá riêng, và phải in lần lượt từng màu. Sự khó khăn và kỳ công nằm ở chỗ phải làm thế nào để các phiến đá chứa hình in có màu khác nhau khi lần lượt in chồng lên nhau không được lệch vị trí.
(Nguồn: lanvipaper.com.vn)
0 Comment