Hình ảnh “mọc lên” từ trang giấy – Sự ra đời của sách pop-up

Trước khi đọc bài viết này của chúng tôi, bạn đã biết gì về “sách pop-up” chưa?

Sách thông thường được thiết kế 2 chiều đơn giản bằng cách phủ lên nó các loại mực in. Tham vọng muốn tạo thêm chiều sâu cho hình ảnh minh họa để độc giả dễ hình dung hơn nữa những điều tác giả muốn truyền đạt, có vẻ như không có cách nào ngoài sự đơn giản đó cả. Vậy mà trong hơn 700 năm qua, các nghệ sĩ, nhà triết học, khoa học gia, chuyên viên thiết kế và cả những người thợ in lành nghề đã hợp sức lại sáng tạo, khiến cho độc giả ngày càng say mê với những trang giấy bằng cách đặt vào đó những chuyển động, điều mà vài thế kỉ trước chỉ có ở máy móc.

Lịch sử của sách pop-up

Những sáng tạo đầu tiên về “các cuốn sách chuyển động” là dành cho người lớn chứ không phải trẻ em. Di sản được biết đến sớm nhất là vào khoảng đầu thế kỉ 14, trong cuốn sách Chronica Majora, được tạo ra bởi nhà sư Benedictine Matthew Paris. Ngài gắn các Volvelles (biểu đồ hình tròn hoặc biểu đồ bánh xe) vào một số trang sách, nhằm giúp tính toán Ngày Thánh một cách nhanh chóng hơn. Người ta cũng cho rằng nhà thơ – nhà huyền môn người Majorca, Catalan Ramon Llull, đã sử dụng chúng để minh họa cho các học thuyết của ông. Trong suốt nhiều thế kỉ, loại biểu đồ này đem đến nhiều ứng dụng đa dạng như giảng dạy giải phẫu, dự đoán thiên văn, tạo mã bí mật… Năm 1564, một cuốn sách chiêm tinh thần bí có thể chuyển động, tên là Cosmographia Petri Apiani đã xuất bản một cách rộng rãi. Điều đó cho thấy thiết kế này rất được ưa chuộng, tuy phần lớn vẫn là trong các tác phẩm học thuật.

 

Mãi tới tận thế kỉ 18-19, một số cuốn sách kích hoạt ba chiều chỉ dành để giải trí hoặc cho trẻ em mới được xuất hiện tại Đức và Anh, sản xuất bởi Ernest Nister và Lothar Meggendorfer. Đặc biệt, bước tiến to lớn nhất trong lĩnh vực tạo ra “các cuốn sách chuyển động” đã diễn ra vào thế kỉ 20 nhộn nhịp và đầy rẫy sự kiện. Năm 1930, nhà xuất bản người Mỹ – Harold Lentz đã tạo ra thuật ngữ Pop-up. Có lẽ ông cảm thấy quá mệt mỏi với cụm từ dài lê thê “các cuốn sách chuyển động”. Tiếp theo đó là sự cải tiến đột phá các chuyển động của giấy, thêm vào nhiều kĩ thuật dựng hình hơn như flaps, pull-tabs, pop-outs, pop-up, transformations, tunnel book (sách peepshow), pull-downs…

Vì sao những cuốn sách đặc biệt này lại có tên là sách “pop-up”?

Với những độc giả chưa biết sách Pop-up là gì thì họ sẽ được giải thích bằng cụm từ nghe vô cùng sinh động và chân thực: “Spring Up”- “Mọc Lên”. Trên bề mặt trang giấy, các “cửa sổ” bật ra, tranh ảnh vụt hiện lên đầy bất ngờ. Chúng không chỉ nằm nhàm chán phía trước đối diện người xem nữa  mà nay còn có thể nhìn thấy đầy đủ ở cả 360 độ. Trẻ em thì luôn thích thú với những niềm vui bất ngờ như thế. Bâý giờ, việc đọc sách với chúng cũng sung sướng chẳng kém so với các bộ phim hoạt hình Walt Disney hay đồ chơi mới mua từ cửa hàng. Mà vốn dĩ những cuốn sách hấp dẫn đó đã là một thứ đồ chơi trong mắt bọn trẻ rồi.

image

Và kì thú làm sao khi mà làn sóng công nghệ lúc này vẫn chưa bùng nổ với những chiếc smart phone hay màn hình vi tính thì việc chơi với giấy của phương Tây đã có sự giao thoa đặc sắc với các nghệ thuật tạo hình tinh tế cũng như lâu đời chẳng kém ở phía bán cầu ngược lại. Điển hình là nghệ thuật Origami (xếp giấy), nghệ thuật Kirigami (cắt giấy) xứ Phù Tang hay nghệ thuật Rối bóng tới từ đất nước của những chiếc đèn lồng đỏ – Trung Hoa.

Sách pop-up có phải chỉ dành cho thiếu nhi?

Ngày nay, nhiều người xem rằng sách pop-up được sản xuất nhằm phục vụ trẻ em chắc đã vô tình nhầm lẫn mà thôi, chỉ vì ở thời đại này tỉ lệ cầm sách trên tay thay cho một món hàng công nghệ nào đó đa số vẫn là những công dân bé nhỏ. Điều này có phần không chính xác. Vì thực tế, trên thế giới đã có nhiều buổi triển lãm mà các tác phẩm được trưng bày trang trọng tại viện bảo tàng. Như Carol Barton – những sách Pop-up của cô trưng bày tại Viện Bảo tàng Cooper Hewitt – New York.

81Q06uHMk5L

Hơn nữa, ngoài sách ra thì có thêm cả thị trường thiệp quà tặng 3D cũng sôi động không kém. Từ trên kệ của một cửa hàng văn phòng phẩm nhỏ cho tới các gian hàng quà lưu niệm trong nhà sách lớn, hay thậm chí là trong siêu thị, rất dễ để chúng ta tìm thấy các sản phẩm thiệp dạng này với vô vàn hình ảnh, màu sắc. Ai cũng có thể tặng nhau những tấm thiệp vui mắt như thế. Và cố nhiên, để thanh toán cho các vật phẩm sách -thiệp này thì vẫn là người lớn. Mọi tác giả, chuyên viên thiết kế hay nhà xuất bản nào cũng đều muốn tác phẩm của mình gây ấn tượng mạnh mẽ nhất. Nên ngoài nội dung tác phẩm sẽ nghĩ ngay tới việc trình bày “giao diện” trang sách làm sao để lôi cuốn bất kì độc giả nào nhìn thấy nó. Do vậy, dù để ra đời một “cuốn sách chuyển động” phải cân nhắc nhiều vấn đề từ chi phí, chọn chất liệu tới các công đoạn thành phẩm cầu kì, thì từ thế kỉ 20 tới nay sách pop-up vẫn giữ được sự ưa chuộng đông đảo như thế.

 

0 Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *