Tầm quan trọng của một kỹ sư giấy trong dự án sách Pop-Up

Trong lĩnh vực sản xuất sách hoặc thiệp pop-up, nếu bạn đang dự định bắt tay vào một dự án pop-up mà không có một người kỹ sư am hiểu về giấy thì chúng tôi chỉ có một lời khuyên: Đừng!

Tại sao lại như vậy?

“Kỹ sư giấy” có vẻ là một cái tên khá lạ lẫm đối với rất nhiều người. Nhưng quả thật, trong bất kỳ một dự án pop-up nào thì cũng cần có ít nhất một “kỹ sư giấy” cùng làm việc một cách chặt chẽ với người họa sĩ thiết kế tranh minh họa, thì công việc mới có thể hoàn thành được. Vậy, kỹ sư giấy là ai? Và họ đóng vai trò như thế nào trong một dự án sách pop-up? Hãy cùng Giấy Lan Vi tìm hiểu nhé!

Vai trò của một người kỹ sư giấy

Công việc của người kỹ sư giấy là thiết kế một cái gì đó sáng tạo, nhưng thiết thực và khả thi. Điều này đòi hỏi chuyên môn và kiến thức tốt về qui trình sản xuất. Các phần “bật lên” trong sách pop-up cần phải đơn giản đủ để dễ dàng dựng đứng, nhưng cũng cần cứng cáp đủ để có thể hoạt động hết lần này đến lần. Nhiệm vụ của một kỹ sư giấy là lựa chọn và “tung hứng” với từng phần tử nhất định. Nói một cách đơn giản, kỹ sư giấy là người tạo ra và đưa những phần tử “bật lên” vào trong các dự án sách, thiệp pop-up.

Sản phẩm sách pop-up là một phân khúc xuất bản riêng biệt, mặc dù phần lớn nó dành cho những đối tượng độc giả nhỏ tuổi, nhưng trên thế giới cũng có rất nhiều sản phẩm sách pop-up hướng đến trẻ vị thành niên, hay thậm chí cả người lớn.

Paper engineer - Matthew Shlian

Sách pop-up mang đến sự hấp dẫn kích thích trí tò mò khi tương tác trực quan

Không giống như sách phẳng bình thường, sách pop-up mang đến sự hấp dẫn kích thích trí tò mò khi tương tác trực quan. Bằng việc sử dụng các nắp lật, cấu trúc, kích thước, các tab kéo và bánh xe chuyển động để thu hút sự tưởng tượng của người đọc, đồng thời kéo dài thời gian chơi và học. Sách pop-up cũng có thể chứa các phần tử ẩn có thể tiết lộ thêm nhiều hình ảnh hoặc thông tin và kể câu chuyện một cách thông minh và tạo sự bất ngờ.

Sản xuất sách pop up – công việc đòi hỏi sự kiên trì và phối hợp khéo léo giữa các bộ phận

Có nhiều người không nhận ra được rằng, để làm được một cuốn sách pop-up, thì các nghệ sĩ thực sự phải làm từng công việc gấp, nhét, dán những phần tử rất phức tạp và tinh vi. Công việc của người kỹ sư giấy là xem những bản vẽ phác thảo của người họa sĩ tranh minh họa, rồi từ đó đưa ra các cơ chế xếp dựng giấy sao cho dẫn đến các hành động di chuyển thú vị cũng như hình ảnh ba chiều (3D) một cách phù hợp nhất. Thỉnh thoảng, người họa sĩ minh họa có thể đưa ra những ý tưởng cụ thể về từng loại hành động mà mỗi tính năng nên có. Còn lại thì hầu hết, công việc này là của kỹ sư giấy. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sản xuất sách pop-up phải là một quá trình hợp tác và khéo léo đòi hỏi kỹ sư giấy, họa sĩ minh họa và cả đơn vị sản xuất cuốn sách phải làm việc chặt chẽ với nhau ở mọi công đoạn.

Trong suốt giai đoạn mới bắt đầu một dự án: người kỹ sư giấy phải sử dụng trí tưởng tượng và kỹ năng của mình để mang lại hơi thở cuộc sống đầu tiên – tức là hình thành nên các kích thước và sự chuyển động – cho trang vẽ của các họa sĩ tranh minh họa. Đây là nơi mà các kỹ sư giấy trở thành một nhà phát minh. Sau công đoạn “thô”, các công trình giấy mới bắt đầu trải qua nhiều công đoạn tinh chỉnh khác để cải thiện phạm vi chuyển động, độ mượt mà và sức bền của nó.

matt-shlian-8

Hầu hết việc thực hiện các cuốn sách pop-up đều mất từ vài tháng đến hơn một năm

Mặc dù cấu trúc và cơ chế hoạt động có vẻ phức tạp, nhưng mỗi cuốn sách pop-up đều được tạo ra chỉ từ những loại giấy và một vài thiết bị cơ bản. Những thứ đó được kết hợp một cách sáng tạo, theo nhiều hướng tưởng tượng khác nhau để nắm bắt và thể hiện được tinh thần của một tác phẩm nghệ thuật cụ thể.

Hầu hết việc thực hiện các cuốn sách pop-up đều mất từ vài tháng đến hơn một năm, từ việc phát triển những bản vẽ đầu tiên cho đến khi hoàn tất một cuốn sách có đầy đủ chức năng. Trong suốt khoảng thời gian đó, cơ chế giấy và tác phẩm nghệ thuật phải phát triển song song với nhau, từ bản phác thảo thô ban đầu cho đến giai đoạn sản xuất. Tại thời điểm đó, một tập hợp chi tiết chứa các file thiết kế, đường cắt, bảng hướng dẫn sẽ được đưa đến nhà in để họ nghiên cứu và chuẩn bị cẩn thận trước khi tiến hành in, cắt bế và lắp ráp bằng tay.

Việc của nhà in không phải chỉ là in ra tác phẩm, mà còn phải chuẩn bị nhiều khuôn thép phức tạp để cấn bế, dập tạo nên các trang giấy và cả những phần tử thiết kế nhỏ.

Tương tự như số lượng kỹ sư giấy hiếm hoi trên khắp thế giới, cũng có rất ít nhà in cung cấp dịch vụ sản xuất sách pop-up. Mỗi cuốn sách pop-up đều phải được làm bằng tay. Mặc dù máy móc vẫn được sử dụng để in ra các tờ chạy và dập bế các bộ phận, thì vẫn không có loại máy móc nào có thể lắp ráp được những chi tiết phức tạp của một cuốn sách pop-up. Do đó, những nhà in chuyên sản xuất sách pop-up cũng phải huấn luyện đội ngũ của mình các công việc lắp ráp, gấp dán, đặt chèn… ở từng công trình sách riêng lẻ.

Đó là một quá trình thú vị tuyệt vời, và kết quả là một sản phẩm hand-made kỳ công đầy phức tạp và đáng ngưỡng mộ.

0 Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *