Giấy dó – Loại giấy đẹp của dân tộc Việt

Trong bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu về giấy Hanji truyền thống của Hàn Quốc. Vậy thì chẳng có lý do gì chúng ta lại bỏ qua việc tìm hiểu về giấy cổ truyền của Việt Nam, đúng không nhỉ? Đó là những thứ giấy do người thợ thủ công Việt Nam sản xuất khi chưa tiếp xúc với kỹ thuật phương Tây. Trải qua thời gian dài lịch sử, ở Việt Nam đã có nhiều loại giấy rất đặc sắc được sản xuất thủ công. Nhưng nổi tiếng và còn tồn tại cho đến ngày nay, có thể nhắc đến cái tên “giấy dó”. Trên thực tế, giấy dó – loại giấy được làm từ thân cây niệt dó, có thể được coi là nguyên liệu để cải biến thành nhiều loại giấy cổ truyền khác. Gồm giấy bản, giấy điệp, giấy moi giấy phèn, giấy nghè (hay còn gọi là giấy sắc phong), giấy thô…

giấy dóGiấy dó

Giấy dó được làm nên như thế nào?

Nguồn gốc chủ yếu để làm giấy dó ở vùng đất Kinh Bắc và Hà Nội là cây dó giấy. Cây dó giấy, cây niệt dó sau khi đưa về sẽ được tuốt sạch lá, chỉ tước lấy phần vỏ cây, cạo bỏ lớp vỏ đen thô sần bên ngoài. Phần vỏ cây đó được ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, sau đó được nấu cách thủy khoảng 3 ngày 2 đêm cho đến khi ngửi thấy mùi thơm của vỏ cây được nấu chín nhừ hoặc thấy phần thịt của vỏ cây dó trong lại. Công đoạn này giúp cho vỏ cây vốn dai trở nên mềm hơn. Vỏ cây sau khi nấu được đem giã thành dạng bột nhuyễn, kết hợp với chất nhầy từ cây mò để tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp được trộn với nước cho thật loãng sau đó đem cho vào khung ép và cuối cùng là phơi dưới ánh sáng tự nhiên để khô lại thành giấy.

Về cơ bản, giấy dó được sản xuất thủ công, không có độ axit và cũng không có tác động của hoá chất nên tờ giấy dó có tuổi thọ rất cao. Sản phẩm giấy dó có thể để đến cả trăm năm cũng không bị mục nát. Đó là nhờ sợi dó có khả năng hút ẩm và nhả ẩm tốt…

giấy dóTrang sức được làm bằng giấy dó

Vẻ đẹp và sự khác biệt mang tên giấy dó

Chính vì được sản xuất một cách thủ công, nên mỗi tờ giấy dó đều mang một vẻ đẹp riêng, cá tính riêng không giống bất kỳ tờ giấy dó nào khác. Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt. Đặc tính xốp nhẹ của giấy dó đến từ nguyên liệu và cách xử lý nguyên liệu. Với cấu trúc dạng sợi, các xơ sợi của giấy dó liên kết đa chiều với nhau và tạo thành nhiều lớp giống như mạng nhện, nhưng lại không theo một trật tự nhất định nào. Do vậy, giấy bền dai, mềm mại và rất nhẹ. Giấy dó thường dùng cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam. Đặc biệt nhờ vào độ bền theo thời gian mà giấy dó thường dùng để làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ, hay lưu giữ các tài liệu quan trọng. Thông qua việc các bản sắc phong cổ trong những di tích đình, đền, miếu thờ vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay, điều đó đã chứng minh giấy dó có tuổi thọ tới hơn 500 năm.

giấy dóMột sản phẩm của giấy dó

Việc bảo tồn nghề làm giấy dó

Sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp giấy khiến việc sản xuất giấy dó ngày càng bị mai một. Kèm theo đó, sự khan hiếm cây dó giấy và cây niệt gió cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn cung cấp và sử dụng giấy dó. Tuy nhiên, tương tự các loại giấy truyền thống của nhiều quốc gia khác trên thế giới, giấy dó mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Và nó cũng trở thành một phần trong di sản văn hóa dành được nhiều sự quan tâm, gìn giữ. Thời gian gần đây, một số dự án khá thú vị, phát triển và bảo tồn sản phẩm giấy dó, giúp giấy dó trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn với người tiêu dùng. Thông qua nhiều sản phẩm sáng tạo độc đáo và dịch vụ đa đạng. Sự kết hợp giữa các ứng dụng hiện đại trên chất liệu giấy dó truyền thống. Như sổ tay, album ảnh, đèn trang trí, lịch để bàn, trang sức… Hi vọng rằng, các dự án trẻ cùng nhiệt tâm và tình yêu dành cho những giá trị tốt đẹp của truyền thống, sẽ thay nhau gìn giữ và lưu truyền, mang loại giấy cổ truyền của Việt Nam cùng hình ảnh con người Việt Nam đi khắp năm châu.

Nguồn ảnh: By Zó Project.

0 Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *