Những danh nhân thế giới và thói quen sử dụng sổ tay
Khi đang thưởng thức một ly bia, Beethoven đột nhiên kéo cuốn sổ tay của mình ra, viết một cái gì đó. Chỉ là vài dòng, một thứ chữ tượng hình không ai giải mã được. Vì thế, trong sổ tay của ông chứa một kho tàng của ý tưởng.
Với những trí thức nổi tiếng, với trí óc siêu phàm và suy tưởng không ngừng, cuốn nhật ký hàng ngày liệt kê danh sách công việc phải hoàn thành hàng ngày, hàng tuần hay một khoảng thời gian nhất định là điều luôn luôn cần thiết. Nhà triết học và nhà văn Umberto Eco từng nói: “Danh mục công việc là nguồn gốc của văn hóa, cụ thể hơn là một phần của lịch sử nghệ thuật và văn học”. Rõ ràng, việc có một cuốn sổ tay ghi chú những việc phải làm hàng ngày là một cách lập kế hoạch đơn giản, hiệu quả, dễ nắm bắt, dễ hiểu, tao điều kiện để kỷ luật sáng tạo.
Là hình thức nguyên thủy của những kiệt tác, những sáng tạo siêu phàm, nhật ký hàng ngày là một hình thức văn hóa không tuổi tác, một cách đấu tranh với chính bản thân để tạo nên những thành tựu từ những gì nhỏ nhặt, tỉ mỉ, một thói quen đơn giản để tăng năng suất công việc, cải thiện hình ảnh của mỗi con người. Từ đó, những rối rắm, điên rồ của cuộc sống trở nên gọn ghẽ hơn trong hình thức của những ghi chú, gạch đầu dòng rõ ràng, mạch lạc. Qua nhật ký hàng ngày, mỗi người có hình dung khách quan hơn về cuộc sống, là hình thức của một xã hội tiên tiến, cho phép con người định nghĩa về những điều cần thiết.
Vào thời điểm chưa phổ biến các phương tiện ghi chú hiện đại như điện thoại, máy tính, Macbook, những cuốn sổ tay nho nhỏ luôn để lọt trong túi áo, túi quần luôn được các nhân vật trưng dụng bất cứ nơi đâu họ đến. Năm 1857, ở tuổi 21, nhà văn Mark Twain đã mua cuốn số tay đầu tiên khi tới học nghề lái tàu với ông Horace Bixby trên một tàu hơi nước trên sông Mississippi. Và ông Horace Bixby đã khuyên cậu học việc nên có một cuốn sổ tay nhỏ như một giải pháp để ông ghi nhớ những công việc được giao. Từ đó, những cuốn sổ tay nhỏ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Mark Twain. Trong suốt 4 thập kỷ sáng tạo, tác giả hài hước bậc nhất của văn học Mỹ dùng tới 40 – 50 cuốn sổ tay bỏ túi. Mỗi chuyến đi xa, ông thường viết kín một của cuốn sổ, bao gồm những quan sát về những người đã gặp, suy ngẫm về tôn giáo, chính trị, hội họa và viết sườn cho những câu chuyện bắt gặp trên hành trình.
Mark Twain thường tự thiết kế và bọc da các cuốn sổ tay của mình
Những ghi chú hàng ngày trong những cuốn sổ bỏ túi là nguồn tư liệu phong phú để Mark Twain viết nên những kiệt tác đồng thời là sơ khởi của các ý tưởng giúp ông có tới 3 bằng sáng chế trong cuộc đời. Đặc điểm của nhật ký hàng ngày của Mark Twain là ngắn gọn, dí dỏm, câu cú súc tích, một phong cách viết nhật ký giúp ông ghi nhớ rất nhanh các sự kiện. Ngoài những suy tưởng khác người, nhật ký của Mark Twain cũng có những chi tiết đơn giản, trần tục như những gì ông đã ăn trong ngày, những gì mắt thấy tai nghe. Cuối cùng, tác giả nổi tiếng viết những câu chuyện cười ở mặt sau của các cuốn sổ bỏ túi. Mark Twain thường tự thiết kế và bọc da các cuốn sổ tay của mình, mỗi trang có một từ khóa ở mép và mỗi lần sang trang mới, ông thường xé mẩu giấy ghi từ khóa ở trang cũ để viết từ khóa mới cho trang kế tiếp.
“Người đỡ đầu” của nước Mỹ từng trình bày chi tiết trong sổ tay các kế hoạch xếp hạng
gồm 13 cột cho 13 đức tính quan trọng
Benjamin Franklin, một trong những “người đỡ đầu” của nước Mỹ là một thí dụ tuyệt vời về việc sử dụng nhật ký hàng ngày để khuyến khích bản thân tự hoàn thiện. Ông bắt đầu gắn bó với các cuốn sổ tay bỏ túi ở tuổi đôi mươi nhằm tìm ra mục tiêu cao cả của sự hoàn hảo về đạo đức. Benjamin Franklin từng trình bày chi tiết trong sổ tay các kế hoạch xếp hạng gồm 13 cột cho 13 đức tính quan trọng như sạch sẽ, điều độ và hàng ngày theo dõi sự tiến bộ của mình trên một biểu đồ. Franklin cũng thiết lập những thói quen hàng ngày hết sức nghiêm ngặt, bao gồm thời gian cho phép để ngủ, ăn uống và làm việc. Vào cuối ngày, ông đánh giá bản thân bằng một dấu chấm vào đức tính mình đã không hoàn thành. Cuối tuần, ông xếp hạng đức tính tốt nhất trên cùng bảng xếp hạng và bắt đầu lại quá trình thêm một lần nữa. Cuối cùng, nhà chính trị cấp cao có hắn một tập sách quý báu về quá trình tôi rèn bản thân.
Chính trị gia nổi tiếng của nước Pháp, Alexis de Tocqueville
ghi hết 15 cuốn sổ tay trong chuyến du khảo hai năm tới Mỹ và Canada
Sinh thời, Alexis de Tocqueville, một chính trị gia nổi tiếng của nước Pháp, tác giả của những khảo luận kinh điển về hệ thống chính trị của Mỹ đã ghi hết 15 cuốn sổ tay trong chuyến du khảo hai năm tới Mỹ và Canada. Ông đã tạo ra những cuốn sổ tay bằng cách gấp giấy và khâu chúng lại với nhau. Ngoài các quan sát, suy nghĩ, ấn tượng về các chuyến đi, Alexis de Tocqueville còn ghi chú lại các cuộc trò chuyện và phỏng vấn mà ông thực hiện. Thậm chí, trên tàu, ông cũng không ngừng vật lộn với các trang viết, cố gắng chắt lọc ra một chân lý chung, gắn kết các ý tưởng lại thành một khái niệm bao quát. Kết quả của cuộc khổ nạn với chữ nghĩa này là một cuốn sách mà người Mỹ vẫn ngưỡng mộ cho tới ngày nay, tác phẩm Nền dân trị Mỹ.
Danh tướng George S. Patton ghi trong sổ tay những diễn biến hàng ngày, khám phá ý tưởng của lãnh đạo
và chiến lược chiến tranh, vẽ sơ đồ, và thậm chí cả các bài thơ tình
George S. Patton, một danh tướng Mỹ, một nhà chiến lược kỳ tài được cả thế giới biết đến, một phần do kỷ luật sắt mà ông đề ra đã có thói quen ghi nhật ký hàng ngày từ năm thứ hai đại học tại West Point. Nguyên nhân là năm đầu đại học, ông đã phải luôn vật lộn với chứng khó đọc và kém cỏi trong môn toán. Từ đó, những cuốn sổ tay da đen luôn là vật bất ly thân của George S. Patton. Từ những diễn biến hàng ngày, khám phá ý tưởng của lãnh đạo và chiến lược chiến tranh, vẽ sơ đồ, và thậm chí cả các bài thơ tình đều được ông ghi trong sổ tay của mình. Trong sổ tay của nhà chiến lược kỳ tài có những câu châm ngôn ý nghĩa, đơn cử như “Luôn làm nhiều hơn yêu cầu của bạn”. Trong Thế chiến II, một linh mục trẻ người Đức đã kinh hoàng khi nhìn thấy George S. Patton ngồi bất động trong một nhà thờ thời trung cổ bị phá hủy, cầm trên tay cuốn sổ tay và một cây bút chì, lặng lẽ suy ngẫm và phác thảo các ô cửa kính màu.
Sổ tay của Tổng thống đời thứ 3 của nước Mỹ được kết lại từ những thanh ngà voi
Thật khó để tưởng tượng rằng Thomas Jefferson, Tổng thống đời thứ 3 của nước Mỹ, người sáng lập ra Đảng Dân chủ – Cộng hòa Mỹ là một người đàn ông luôn dậy sớm và bắt đầu một ngày bằng cách đo lường các thông số của thời tiết như nhiệt độ, tốc độ gió, và lượng mưa. Và bất cứ nơi đâu trên thế giới, ở Monticello, Pháp, hay Nhà Trắng, vị chính trị gia cấp cao cũng ghi chép vào sổ tay những điều tương tự như ự di cư của các loài chim, sự tăng trưởng của cây và hoa, và quan sát về địa lý và khí hậu. Cố Tổng thống của nước Mỹ luôn mang theo một loạt các công cụ đo thời tiết như nhiệt kế, la bàn khảo sát và bản đồ. Sổ tay của Thomas Jefferson được kết lại từ những thanh ngà voi. Các phép đo được ghi lại bằng bút chì và buổi tối được ghi lại trong bảy cuốn sổ theo bảy chủ đề khác nhau. Sau đó, Thomas Jefferson lại xóa sạch các ghi chú trên ngà voi để bắt đầu ghi lại nhật ký của ngày mới.
“Cha đẻ” của loạt phim Star Wars luôn kè kè cuốn sổ tay báu vật
Nhắc đến George Lucas là nhắc đến loạt phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) nổi danh. Thời gian viết kịch bản cho siêu phẩm này, ông giam mình trong phòng 8 giờ mỗi ngày. Nếu có dịp ra ngoài, vị đạo diễn nổi tiếng luôn mang theo sổ tay để ghi chép lại những ý tưởng bất chợt nảy ra. Trong quá trình, George Lucas cũng kè kè cuốn sổ báu vật của mình để chớp nhanh những thủ thuật, một cái tên nhân vật.
Những suy đoán lý thuyết được ghi trong các cuốn sổ tay của Charles Darwin
“Cha đẻ” của Thuyết tiến hóa, Charles Darwin đã bắt đầu thói quen viết nhật ký hàng ngày từ thời kỳ theo tàu HMS Beagle khám phá các bờ biển Nam Mỹ. Cùng với việc tập hợp các mẫu vật, ông ghi chép hàng ngày trên tổng cộng 15 cuốn sổ tay, bao gồm các quan sát thực địa về các chủ đề như động vật học, thực vật học, khảo cổ học, ngôn ngữ; Các dữ liệu như vĩ độ và kinh độ, phong vũ biểu đo, các chuông nhiệt độ, và chiều sâu, bản phác thảo bản đồ và các mẫu vật; Thông tin cá nhân như các mục nhật ký, danh sách mua sắm, và thông tin tài chính. Ở gần cuối hàng trình, Darwin bắt đầu ghi những suy đoán lý thuyết trong các cuốn sổ tay. Khi trở về, ông tiếp tục chọn lọc các lý thuyết trong các cuốn sổ tay dán nhãn A, B, C, D, cung cấp một cửa sổ vào lý thuyết tiến hóa của các loài. Nhà bác học người Anh có thói quen viết theo chiều dọc trang giấy bằng bút chì khi di chuyển và khi trở về nhà, ông viết theo chiều ngang thông thường với bút mực. Giống như Isaac Newton, Charles Darwin đôi khi viết cùng lúc hai cuốn sổ tay.
Nhà soạn nhạc lừng danh thường tản bộ trên phố và các con đường mòn trong rừng,
nắm chặt sổ tay đề phòng những nguồn cảm hứng chợt đến
Là một tín đồ của những cuốn sổ tay nhỏ, Ludwig van Beethoven hiếm khi xuất hiện mà không có người bạn đường này trong tay hoặc trong túi. Nhà soạn nhạc lừng danh thường tản bộ trên phố và các con đường mòn trong rừng, nắm chặt sổ tay đề phòng những nguồn cảm hứng chợt đến. Vì thế, trong sổ tay của ông thường có các đoạn phác thảo âm nhạc, khởi đầu của các bản giao hưởng. Sổ tay còn là người bạn tâm tình của Beethoven. Ông viết vào đỏ những suy nghĩ ca nhân, châm ngôn, những đoạn thơ, văn yêu thích. Thiên tài âm nhạc luôn tin rằng việc ghi chép giúp kích thích trí tưởng tượng. Tuy nhiên, do các ý tưởng chợt đến luôn được tốc ký nhì nhằng, tượng hình nên không ai hiểu được như Wilhelm Von Lenz, một cộng sự của ông kể lại vào năm 1855: “Khi đang thưởng thức một ly bia, Beethoven đột nhiên kéo cuốn sổ của mình ra, viết một cái gì đó “Một điều chỉ xảy ra với tôi thôi”, ông nói rồi đút lại cuốn sổ vào túi. Chỉ là một vài dòng, một thứ chữ tượng hình không ai có thể giải mã. Vì thế, trong sổ tay của ông chứa một kho tàng của ý tưởng”. Sau này, khi Beethoven đã mất thính lực, bạn bè, người thân thường trò chuyện với ông bằng cách viết vào cuốn sổ tay, và nhạc sĩ thiên tài trả lời họ bằng lời nói hoặc trò chuyện bằng cách viết câu trả lời dưới câu hỏi trong sổ tay.
Những dòng đầu tiên trong cuốn sổ tay đầu tiên viết từ thời tiểu học của Hemingway
Năm 1908, khi mới là một cậu học sinh tiểu học, với “máu giang hồ” phiêu bạt, Ernest Hemingway đã bắt đầu viết nhật ký hàng ngày. “Tôi có ý định đi du lịch và viết văn”, cậu bé vùng Chicago viết trong sổ tay. Có lẽ không ai đam mê các cuốn sổ tay bỏ túi hơn Hemingway. “Tôi thuộc về các cuốn sổ tay và bút chì”, nhà văn nổi tiếng người Mỹ từng nói. Với những vật dụng đơn giản này, ông bắt đầu ý tưởng cho những câu chuyện khi ngồi cả ngày ở các quán cà phê của Paris. Không chỉ ở các quán cà phê, Hemingway còn mang sổ tay đi cùng các chuyến phiêu lưu của mình, ghi chú ở bất cứ góc nhỏ nào của thế giới, trong một quán bar, một chuyến tàu, một trận đấu bò với một sự quan sát, tận hưởng âm thanh, mùi vị sau này được ông diễn tả rất sống động trong các truyện ngắn và tiểu thuyết. Vật bất ly thân của Hemingway là sổ tay bìa xanh, hai bút chì, gọt bút chì. Tất nhiên, Hemingway không chỉ sử dụng sổ tay trong công việc mà đây còn là công cụ để ông ghi lại chi phí, lập danh sách các món quà sẽ mua tặng người thân trong chuyến đi của mình. Thậm chí, kỳ quặc hơn, ông còn dùng sổ tay để theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của người vợ đầu tiên.
Theo Pháp Luật & Xã Hội
0 Comment